Hội nghị khoa học chủ đề “Những tiến bộ trong điều trị tim mạch: Từ can thiệp đến dự phòng” do Bệnh viện FV vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh thu hút sự tham gia của hơn 600 bác sĩ cùng các chuyên gia đầu ngành.
Hội nghị do GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi - Chủ tịch Hội Suy tim Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai và Phó GS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh - Phó chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam đồng chủ tọa. Ngoài ra còn có các báo cáo viên khác là chuyên gia hàng đầu của Việt Nam, Singapore và Malaysia.
Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, trong đó, bệnh lý mạch vành là nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim cấp. Việc xác định rõ nguyên nhân và mức độ tổn thương mạch vành sẽ giúp các bác sĩ đưa ra giải pháp điều trị nhanh chóng và hiệu quả, tăng cơ hội cứu sống bệnh nhân.
GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi - Phó Chủ tịch Hội Tim Mạch Việt Nam - Chủ tịch Phân hội Suy tim Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai phát biểu tại hội nghị
GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi chia sẻ về mô hình quản lý toàn diện bệnh nhân suy tim. Theo ông, suy tim được xem là giai đoạn cuối của bệnh lý tim mạch, 75% bệnh nhân tử vong trong vòng 5 năm sau nhập viện do suy tim, tỷ lệ tái nhập viện tới 50% trong vòng 6-12 tháng. Trong khi đó, 70% người dân không coi suy tim là bệnh lý nguy hiểm.
"Để giảm gánh nặng của suy tim bao gồm tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao, cũng như tần suất nhập viện, cần áp dụng chiến lược toàn diện với cách tiếp cận đa chiều, đa chuyên ngành và cần sự chung tay của cả xã hội, kể cả việc giáo dục ý thức cộng đồng” - GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi nhấn mạnh.
Tại hội nghị, TS.BS Hồ Minh Tuấn - Trưởng khoa Tim mạch và tim mạch can thiệp, Bệnh viện FV trình bày 2 kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch (IVUS) và kỹ thuật cắt lớp quang học động mạch vành (OCT). Các tiến bộ về hình ảnh học gần đây được áp dụng trong điều trị tim mạch tại FV, hỗ trợ các bác sĩ can thiệp có thêm công cụ để chẩn đoán và điều trị chính xác hơn. Nhiều ca bệnh nhân chỉ còn vài phần trăm cơ hội sống đã được điều trị hiệu quả nhờ vào việc ứng dụng các kỹ thuật này.
Với kỹ thuật cắt lớp quang học động mạch vành (OCT), bác sĩ sẽ đưa vào lòng mạch vành một thiết bị ghi hình siêu nhỏ có phát tia hồng ngoại bước sóng ngắn để ghi nhận hình ảnh trong lòng mạch. Các hình ảnh cho phép nhìn thấy rõ các cấu trúc trong lòng mạch, bác sĩ xác định được chính xác vị trí cần đặt stent, chọn stent có kích thước phù hợp, giảm nguy cơ tái hẹp.
Hơn 600 bác sĩ cùng các chuyên gia đầu ngành tham gia Hội nghị Tim mạch 2025
Cũng liên quan tới điều trị mạch vành, bác sĩ Keh Yann Shan - chuyên gia can thiệp, Khoa Tim mạch, Trung tâm Tim mạch Quốc gia Singapore, trình bày về "Vai trò của sinh lý mạch vành trong quyết định lâm sàng ở bệnh nhân bệnh động mạch vành". Việc sử dụng các chỉ số sinh lý mạch vành giúp bác sĩ đánh giá và quyết định các phương pháp can thiệp hiệu quả, góp phần cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân. Đây là kỹ thuật còn mới mẻ với các bác sĩ Việt Nam.
Trong khi đó, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào - Phó Chủ tịch Hội Nội Tiết và Đái Tháo Đường Việt Nam đề cập tới Hội chứng Chuyển hóa - Tim - Thận - một rối loạn sức khỏe bao gồm các tình trạng như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch, bệnh thận mạn, đái tháo đường, thừa cân, béo phì và tăng triglycerid máu… Khoảng 70% bệnh nhân đái tháo đường type 2 có các yếu tố nguy cơ tim mạch kèm theo như béo phì, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và hội chứng chuyển hóa. Vì vậy điều trị đái tháo đường type 2 theo các hướng dẫn mới nhất của y khoa thế giới cũng góp phần ngăn ngừa biến chứng tim mạch.
“Để điều trị hội chứng Chuyển hóa - Tim - Thận cần có cách tiếp cận toàn diện, đa ngành, bao gồm phân tầng nguy cơ, phòng ngừa và điều trị theo phân tầng, chăm sóc đa ngành và phương pháp tiếp cận lấy bệnh nhân làm trung tâm” - PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào nói.
Tại hội nghị, ThS.BS Trần Đại Quỳnh Vân - Khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, Bệnh viện FV cũng giới thiệu về Nghiệm pháp gắng sức tim phổi (CPET) nhằm đánh giá chức năng tim – phổi ở bệnh nhân suy tim, từ đó tối ưu hóa chiến lược điều trị cho bệnh nhân tim mạch.